Khoảng 2 tháng trở lại đây chủ đề mạng xã hội Việt Nam nổi lên khá rõ ràng, chúng ta có hai cái tên nổi bật nhất là Gapo và Lotus. Gapo nhắm tới giới trẻ còn Lotus nhắm đến những người sáng tạo nội dung “chuyên sâu”. Câu hỏi là tại sao bây giờ lại là lúc những mạng xã hội này ra đời? Họ có thành công hay không, định hướng và những khó khăn họ sẽ gặp phải ra sao?
Trước khi bắt đầu thì cũng chia sẻ với anh em là Tinh tế thực chất cũng là mạng xã hội, bọn mình đã xin giấy phép này từ những ngày đầu chính phủ đưa mạng xã hội vào luật quản lý. Nếu bạn nhìn lại về mô hình forum ngày xưa thì nó cũng chẳng khác gì mạng xã hội, cũng là nơi mà người dùng có thể trao đổi thông tin qua lại, buôn bán (như Nhattao), và tổng hợp thông tin thông qua nhiều nguồn khác nhau.
Nhiều anh em tưởng Tinh tế là báo hay trang tin, nhưng không phải, và bọn mình chưa bao giờ nhắm tới điều đó. Bọn mình chỉ đơn giản là chia sẻ những cái hay về công nghệ mà thôi. Báo, trang tin là một loại giấy phép khác hoàn toàn, và bọn mình thích vui vẻ thôi nên không trở thành báo được đâu
Quay trở lại vấn đề chính, vì sao lại làm MXH bây giờ?
1. Hạn chế của Facebook
MXH thực chất cũng là một sản phẩm để kinh doanh, và khi bạn tham gia vào cuộc chơi thì bạn phải tìm những cái mà đối thủ làm dở hoặc không làm được để chinh chiến thì mới mong thành công. Gapo và Lotus làm đúng như vậy.
Facebook hiện tại đang có nhiều thông tin không hữu ích với người dùng (thực ra còn do thói quen sử dụng nên Facebook mới đề xuất như thế), Facebook có fake news, Facebook có quá nhiều tin tức tiêu cực (theo những gì Lotus nói trên sân khấu).
Để giải quyết vấn đề đó, Lotus đưa ra nhiều tính năng mới để giải quyết các hạn chế của Facebook, ví dụ như khả năng nhóm tin vào các thư mục, theo dõi các luồng tin tức, cung cấp nhiều công cụ để “đọc sâu” và “comment sâu” (chưa rõ là gì, chắc phải trải nghiệm Lotus thêm vài ngày mới biết). Gapo thì cung cấp tính năng cá nhân hóa để làm cho trang của bạn nổi bật hơn, “là-của-bạn” hơn. Tinh tế thì nhắm tới việc cung cấp kiến thức, kinh nghiệm, chia sẻ hữu ích, thứ mà trên Facebook rất ít xuất hiện hoặc khó kiểm chứng là đúng hay không.
Trước mắt, việc giải quyết những vấn đề mà Facebook không / chưa làm tốt là một hướng đi đúng của các MXH Việt Nam. Để cạnh tranh thì bạn phải khác đi, chứ nếu làm giống như chang như Facebook thì khó mà sống được.
2. Niche market
Thuật ngữ này có nghĩa là thị trường ngách, và các MXH cũng đang tận dụng điều này để phát triển. Tinh tế thì chọn ngách về công nghệ, xe, camera và những thứ mà anh em quan tâm để phát triển, Gapo thì chỉ nhắm tới giới trẻ thôi, từ cách họ thiết kế app, các hình ảnh quảng cáo cho đến cách dùng những người nổi tiếng mà giới trẻ yêu thích. Gody.vn thì chuyên về du lịch và phượt chẳng hạn.
Thay vì cạnh tranh với một sản phẩm rộng hơn, việc đi ngách sẽ thu hút được những người dùng muốn quan tâm kĩ càng về nội dung mà họ thích. Mà bạn nghĩ thử xem, giờ thì bạn bè của bạn đã ở trên Facebook hết rồi, bạn muốn chia sẻ gì đó về cuộc sống thì bạn lên đó post chứ bạn đâu có đăng lên Tinh tế làm gì. Chỉ khi nào bạn kiếm được mấy cái mẹo hay, hoặc cần hỏi, cần chia sẻ kinh nghiệm gì đó về tech thì bạn mới lên Tinh tế chứ.
Trong số các MXH mới của Việt Nam thì mình chỉ thấy có Lotus là đánh vào thị trường lớn (mass) chứ không đi ngách. Đây sẽ là thách thức lớn cho họ vì phải cạnh tranh trực tiếp với Facebook, từ tính năng cho tới cộng đồng và cả hạ tầng. Nhưng biết đâu được, đứng sau Lotus là VCCorp, một trong những tập đoàn truyền thông lớn mạnh nhất Việt Nam, họ có cả tiền lẫn sức ảnh hưởng nên họ vẫn có cơ hội thành công.
3. Xây dựng cộng đồng và Cơ chế động viên
Phần lõi của mọi MXH phải là cộng đồng. MXH thì phải có người tương tác qua lại, có người hỏi có người trả lời, có người gặp khó khăn thì có người giúp, có người để khoe và có người để khen MXH chẳng khác gì một xã hội bình thường cả, và tất cả mọi yếu tố tâm lý xã hội đều phản ánh vào trong bất kì sản phẩm online nào.
Do đó, để một MXH phát triển bền vững lâu dài và thực chất, sẽ cần làm gì đó để các thành viên có thể kết nối, chia sẻ, có thể “thấy” được nhau trong không gian số. Việc xây dựng cộng đồng là thứ mà mình chưa rõ Lotus và Gapo sẽ làm như thế nào, trước mắt chỉ thấy họ sử dụng người nổi tiếng để kéo thêm người dùng mới (là fan của những người nổi tiếng này). Có thể trong vài tháng tới đây chúng ta sẽ thấy rõ hơn về chiến lược phát triển cộng đồng của các MXH Việt Nam.
Nhưng việc build cộng đồng chưa bao giờ là đơn giản. Cộng đồng gắn kết ra sao, làm sao để rủ thêm người mới, làm sao để giữ chân người cũ không rời đi… những câu hỏi rất khó, đòi hỏi phải hiểu về cách mà con người vận hành trong xã hội mới giúp được. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Facebook có rất nhiều chuyên gia tâm lý học làm việc chính thức để làm nhiệm vụ “xây dựng cộng đồng” đó. Và ý kiến, nghiên cứu của các chuyên gia này sẽ trở thành các chức năng mà Facebook đưa ra để giữ bạn lại với họ.
Một cách khá đơn giản để có thể phát triển cộng đồng, tăng cường tương tác là một cơ chế động viên dành cho người dùng. Tinh tế có Tinhte Rewards, Lotus có hệ thống token, Gapo thì có GCoin. Theo kinh nghiệm của mình thì mỗi khi Tinhte Rewards có “đồ chơi mới” thì lượng tương tác của anh em tăng lên đáng kể và duy trì ổn định sau đó chứ không phải biến mất ngay, nên mình tin rằng hệ thống token của Lotus cũng sẽ có tác dụng tương tự.
Những cơ chế động viên này có khi không cần phải tốn nhiều tiền, chủ yếu để người dùng cảm thấy họ đang được quan tâm và ghi nhận đóng góp của họ với MXH. Nhưng chỉ nhiêu đó cũng đủ để anh em cảm thấy vui hơn, phấn khích hơn một tí khi chơi MXH rồi. Đây cũng là cái mà Facebook, Twitter đang không có.
Tất nhiên, không phải lúc nào có tiền cũng giải quyết được vấn đề. Nếu như token của Lotus hay GCoin của Gapo không có tính “thanh khoản”, tức “có thể dùng được trong đời thực” thì cơ chế thưởng cũng không còn hữu ích. Để xem hai MXH này sẽ làm như thế nào để giải quyết bài toán này nhé. Mà họ có tiền đầu tư nhiều mà Việc hợp tác với các bên khác để “chi tiêu” token chắc không là vấn đề căng thẳng.
4. Cơ hội cho các MXH Việt
MXH thì chủ yếu kiếm doanh thu từ quảng cáo, và để quảng cáo hiệu quả thì càng có nhiều người dùng càng tốt. Nếu Gapo, Lotus thành công và có nhiều người xài, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu để ý tới nền tảng này, họ sẽ mua quảng cáo cũng như chạy các hoạt động marketing trên Gapo, Lotus, tạo ra nguồn doanh thu mới cho 2 công ty này. Đơn giản là khách hàng (cả hiện tại và khách tiềm năng) ở đâu thì doanh nghiệp sẽ phải xuất hiện ở đó, chứ không đối thủ sẽ hốt mất khách. Facebook, Zalo, Gapo, Lotus… gì cũng được, miễn có khách là sẽ có doanh nghiệp.
Một cơ hội khác đó là cơ hội hiểu được hành vi của người dùng, hiểu được nhu cầu của họ một cách triệt để, và nó sẽ quay ngược lại hỗ trợ cho các chiến dịch truyền thống, quảng cáo của những doanh nghiệp có nhu cầu. Tất nhiên kiểu quảng cáo đó sẽ khó làm hơn, nhưng hiệu quả cao hơn, và như vậy thì tiền trả cho Gapo, Lotus cũng cao hơn.
Chông gai vẫn còn phía trước, chúc cho các MXH Việt Nam sẽ phát triển theo định hướng của họ và sẽ có nhiều người dùng hơn trong thời gian sắp tới.
Nguồn : Tinhte.vn
Trang chủ » Bàn về mạng xã hội Việt: hướng đi, khó khăn và cơ hội